Đâu nguồn hạnh phúc

Ánh tà dương rực sáng, vui tươi, lan rộng giữa khoảng trời xuân êm ả. Gió muôn phương thổi lại, đem hương hoa về ướp thơm cảnh vật nơi vùng tịnh xá Kỳ Hoàn. Cỏ cây làng mạc đượm vẻ thái bình trong buổi chiều hôm.

Giữa khung cảnh tươi đẹp ấy, có bốn thầy Sa Môn mới nhập đạo cùng ngồi đàm luận dưới gốc cây cổ thụ. Một vị sa môn lên tiếng bảo:

  Này các đạo huynh, thử nghiệm xem trên đời có chi đáng yêu thích nhất? Ba vị kia tán thành khen:

  Phải đó, chúng ta mỗi người nên suy nghĩ rồi tỏ thật tư tưởng của mình xem đằng nào hơn. Sau vài phút trầm ngâm, vị thứ nhất bảo:

  Vào tiết trong Xuân, cây cỏ khoe tươi, muôn hoa cười nụ, tiếng chim líu lo trên cành bích, hương thanh phảng phất khắp khắp nơi, phong cảnh thật là đẹp! Trong lúc ấy ví ta được thả con thuyền nhẹ theo giòng nước hay mang theo bầu rượu đến sườn non, chắc trong đời không chi thích thú bằng!

Vị thứ hai đáp:

  Cảnh gia đình sum họp vẫn là vui. Nhưng nếu có thêm vào đấy những thức ngon, rượu qúy, và tiếng đàn ca khoan nhặt lẫn trong tình thân mật nét hân hoan, thì tôi thiết tưởng hạnh phúc trên đời chỉ có trong ngần ấy.

Vị thứ ba nói:

 Tôi thấy: Nếu ta được sinh trong dòng tôn quý cao sang ở lầu cao nhà rộng, sẵn tiền bạc nhiều, ta muốn mua sắm món gì cũng tùy thích. Khi ra đàng ta phục sức cực kỳ sinh đẹp, xuống ngựa lên xe. Lúc vào nhà ta gọi đến lắm kẻ kính thưa hầu hạ. Trong cảnh ấy, thử hỏi chi hơn? Theo ý tôi đó là thú vui độc nhất.

Vị thứ tư lại bảo:

  Giữa đời, tiền bạc, quyền tước có lẽ còn dễ tìm hơn gia nhân, riêng về tôi nếu người nào có được đôi ba nàng hầu, thiếp tuyệt sắc, kẻ ấy vua chúa chưa chắc đã sánh bằng! Còn thú gì vui hơn... Khi ngắm nét hoa tươi đẹp buâng khuâng dường lạc non bồng, lúc nghe giọng hát du dương ngơ ngẩn như vào động bích. Lại còn những lúc cùng người ngọc bàn câu phong nguyệt, cạn chén, đồng tâm, chắc rằng hạnh phúc giữa trần hoàn không qua mấy điều tôi đã kể. Sau khi tỏ bầy ý kiến, bốn vị đều cho chỗ nhận xét của mình là đúng, cùng nhau tranh luận phân vân...

Bấy giờ, cách đấy không xa, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đang đi kinh hành chung quanh Kỳ Hoàn Tịnh Xá, nghe mấy lời ấy, Ngài động lòng thương xót liền bước đến hỏi: “Các ông bàn luận chuyện gì thế?” Bốn vị Sa Môn không dám che dấu, phải đem sự thật thưa lên. Đức Phật bảo: “Những lời mà các ông vừa nói đều là đường lối vào sự lo sợ, đau buồn, không phải hạnh lâu dài chân thật. Vì sao? Cảnh vật dầu tươi đẹp trong mùa xuân, nhưng sang thu, đông phải tàn tạ héo khô...

Thân quyến tuy sum họp, vui cười song có lúc sẽ khổ đau vì nỗi sinh ly tử biệt. Tiền của, ngựa xe là những vật không lâu bền, và khi chết ta không thể đem theo. Đến như sắc dục là một mối nguy hiểm vô cùng, nó làm cho con người, thân thể suy mòn, tinh thần mờ mệt. Những cảnh hư nhà hại mạng phần nhiều từ đấy sinh ra. Bởi vậy, cuộc đời sớm còn tối mất như bóng phù du, như hoa sớm nở tối tàn, như gió thoảng mây bay. Tuổi xanh đưa lần đến già, sống đến chết mới đó như giấc mộng kinh hoàng; sum họp rồi lại chia ly, thú vui không bền vững, hạnh phúc chẳng trường tồn. Thật là:

“Đời người chẳng khác như vầng trăng tỏ
Lại ví như hoa nở tỏa hương lan
Nhưng trải qua thời gian chưa mấy độ
Rồi phôi pha trăng lặn đóa hoa tàn”

Cho nên bao thú vui các ông vừa kể đã mong manh, ngắn ngủi, lại chính là nguyên nhân cho sự luân hồi đau khổ về sau. Chỉ có cảnh Niết Bàn là sáng suốt trường tồn. Đây mới là nguồn hạnh phúc bền vững. Muốn đến cảnh tây phương cực lạc để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, các ông phải thực hành và đi theo con đường bát chánh, con đường ấy có tám chi là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Bốn vị Sa môn sau khi lắng nghe lời Phật thuyết, liền sám hối khỏi tham dục, gương lòng lặng yên. Khi Đức Thế Tôn trở gót bước đi, không ai bảo ai, bốn người đều ngồi thẳng mình để tâm vào cõi thanh nhàn, vắng lặng.

Chúa dương từ từ đi thẳng xuống phương đồi xa thẳm. Dạ thần cũng bắt đầu rũ màn âm u trên vạn vật.Giữa khoảng trống của hai quả núi bên chân trời tây bỗng lộ ra nhiều vết mây hồng rực rỡ tạo nêm một vẻ đẹp huyền ảo thần tiên. Cũng trong lúc ấy, khi ánh sáng đời sắp tắt, ánh sáng đạo lại bật chiếu rạng rỡ nơi tâm tư của bốn vị Sa Môn. Trong một buổi chiều xuân họ đã tìm thấy nguồn hạnh phúc bất diệt, trời xuân của ly dục, của chứng ngộ đạo Bồ Đề.